Bước 1. Chuẩn bị địa điểm trồng
- Nấm rơm có thể trồng dưới bóng râm thông thoáng hay trồng dưới ánh sáng trực tiếp như trên nền đất ruộng, nền đất liếp. Nơi trồng phải thoát nước tốt khi tưới hay trời mưa.
- Nền đất trồng nấm rơm nên được xử lý vôi với lượng 5 kg/100 m2 (300 – 500 kg/ha).
Bước 2. Nguồn rơm
Nguồn rơm có thể sử dụng rơm cuộn hoặc rơm đống. Nguồn rơm phải sạch bệnh, không chịu ảnh hưởng của thuốc BVTV, không bị nhiễm mặn. Nếu nguồn rơm có bị nhiễm mốc trắng hay rơm bị mục do mưa ẩm thì không nên sử dụng để trồng nấm.
Bước 3. Chuẩn bị bể ngâm rơm
- Chuẩn bị bể ngâm rơm (nên bố trí bể ngâm gần với nơi ủ đống, cho thuận tiện).
- Dùng bạt không thấm nước để căng dựng thành bể ngâm có kích thước khoảng 2,5 x 4,5 m (hoặc tùy vào quy mô thực tế).
- Nền đất để dựng bể ngâm phải bằng phẳng, không có cây nhọn, vật nhọn làm rách thành vách bể ngâm.
Pha nước xử lý vôi
- Chuẩn bị nước vôi: Cho nước vào, mực nước cao khoảng 20 cm, sau đó cho vôi vào, khuấy đều và sử dụng giấy pH kiểm tra (pH = 13 – 14). Thường sử dụng khoảng 5 kg vôi cho 1m3 nước.
- Lưu ý: Khi cho vôi vào nước, nước sẽ rất nóng, làm ảnh hưởng đến da. Do vậy nên để cho nước nguội dần.
Cho rơm bể ngâm, khi ngâm nên giẫm đạp rơm, để rơm được thấm nước đều, sau khi ngâm khoảng 10 phút, thì vớt lên để ráo
Bước 4. Ủ đống và đảo đống ủ
- Kê vĩ sắt/vỉ tre (cách mặt đất 20 cm) hoặc trên nền đất thông thoáng.
- Giữa đống ủ đặt cây chuối, giúp tạo độ thông thoáng cho đống ủ.
- Lượng rơm sử dụng ≥ 100kg, kích thước đống ủ cao khoảng 1,2 – 1,5 m, rộng khoảng ≥1,5m và dài có thể hơn 1,5m.
- Sử dụng bạt không thấm nước bao xung quanh đống ủ, trên đống ủ nên có lỗ thoát khí.
- Kiểm tra ẩm độ và bổ sung nước nếu cần, đảm bảo nhiệt độ từ 60 – 70 độ C.
- Đảo đống ủ 2 lần (sau 7 và 17 ngày ủ đống), đảo từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong.
Bước 5: Chuẩn bị meo giống
- Meo giống là meo trấu, nên chọn những bịch meo có tơ ăn trắng đều, có mùi thơm dễ chịu.
- Meo giống được đánh tơi và trộn với men kích thích tơ nấm tỉ lệ theo khuyến cáo. Hoặc trộn với phân trùng quế, liều lượng 70 – 160g và thành phần kích thích tơ nấm theo khuyến cáo
Bước 6: Đóng mô
- Sau khi ủ đống được 16 – 18 ngày, tiến hành đóng mô. Kích thước mô rộng từ 35 – 40 cm và cao 35 cm. Rơm được lấy từ đống ủ rồi cuộn lại xếp thành dòng.
- Sau đó rải một lớp meo giữa dòng (lượng meo khoảng 160g/m dòng).
- Phủ lên một lớp rơm đậy trên bề mặt.
- Mô nấm được chuẩn bị xong, tiếp theo là tưới đẫm mô. Dùng 2 tay vuốt và ém chặt mô nấm. Sau đó, mô nấm được phơi dưới ánh nắng trực tiếp 4 ngày.
Lưu ý:Trong trường hợp có mưa thì che bạt khôngthấm nước. Khi che cần chú ý đến độ thông thoáng của mô nấm. Trong trường hợp chất nấm nơi có gió nhiều cần chú ý hướng gió và chất mô nấm sao cho gió thổi vào đầu mô để hạn chế gió
Bước 7: Chăm sóc và tưới đón nấm
- Sau khi phơi nắng, tiến hành đậy áo mô bằng rơm, và tưới ướt áo mô.
- Tưới nước cho mô nấm ngày 1 lần vào buổi chiều khoảng 16 giờ hoặc buổi sáng vào (7 – 8 giờ), nên tưới phun bằng vòi sen.
- Sau khi đậy áo rơm 4 hoặc 5 ngày, kiểm tra sự lan tơ và đảo lớp áo mô nhằm hạn chế tơ ăn lan lên lớp áo mô.
- Ở ngày thứ 7 hoặc thứ 8 thấy tơ nấm lan đều mô tiến hành tưới đón nấm. Khoảng 2 ngày sau thì đinh ghim bắt đầu xuất hiện
Bước 8: Thu hoạch
- Từ khi cấy meo đến lúc thu hoạch khoảng 12 ngày. Trong 1 ngày thu làm 2 lần, buổi sáng (5 – 6 giờ) và buổi chiều (17 – 18 giờ).
- Thu thành 2 đợt: Đợt 1 kéo dài khoảng 4 ngày, sau đó chăm sóc mô nấm giống như ban đầu, khoảng 5 – 6 ngày thì nấm xuất hiện.
- Cách hái nấm: Xoay nhẹ cây nấm tách ra khỏi mô. Không nên để sót chân nấm trên mô, vì phần chân nấm sau khi thối rữa sẽ làm hư các nụ nấm kế bên. Sau khi hái xong, đậy kỹ áo mô lại.
Bước 9: Vệ sinh sau trồng nấm
- Sau khi thu hoạch nấm, giá thể có thể ủ làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng.
- Dùng vôi để rãi diệt khuẩn nơi trồng, cách ly phơi nắng ít nhất 1 tháng thì có thể trồng vụ tiếp theo.